Từ ngày 22/10 đến ngày 06/11/2022, Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG) thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, UEH, đã tổ chức chương trình tập huấn “Phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng trong công tác truyền thông – báo chí (AMA)”.
Chương trình đã nhận được sự quan tâm, tham dự của gần 40 học viên là (i) giảng viên, nghiên cứu viên UEH; (ii) phóng viên, biên tập viên của các cơ quan truyền thông – báo chí như VTV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, Báo Người lao động, Báo VNExpress, Báo Nhịp cầu đầu tư, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn; và (iii) lãnh đạo các công ty có quan tâm đến chủ đề phân tích tác động của kinh tế vĩ mô.
Khóa tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, công cụ và kỹ năng để học viên có thể hiểu, phân tích, lập luận và ra quyết định về những vấn đề kinh tế vĩ mô mà mỗi cá nhân và tổ chức thường xuyên đối mặt ở phạm vi quốc gia và toàn cầu. Bên cạnh khung lý thuyết, tiếp cận tình huống sẽ giúp học viên tăng cường tư duy thực nghiệm, xử lý thông tin kinh tế vĩ mô đa dạng trong bối cảnh các hoạt động kinh tế không ngừng vận động. Tiếp cận đặc thù này hướng đến hỗ trợ học viên có thể đưa ra quyết định và lựa chọn chính sách hữu hiệu trong việc thực hiện các nghiên cứu ứng dụng.
Giảng viên của chương trình là thầy Châu Văn Thành, thầy hiện là giảng viên khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, UEH và là giảng viên thỉnh giảng môn Kinh tế học vĩ mô, môn Chính sách phát triển tại Đại học Fulbright Việt Nam. Thầy đã lãnh đạo đội ngũ giảng dạy của Trường Fulbright với vai trò Giám đốc Đào tạo từ năm học 2000-2001 đến năm học 2007-2008.
Toàn cảnh khoá học
Phát biểu khai giảng chương trình, TS. Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước chia sẻ: phân tích kinh tế vĩ mô là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải liên kết được các thành phần trong nền kinh tế để hình thành một bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên, bằng sự am hiểu chuyên sâu và dẫn dắt tận tình, thầy Châu Văn Thành sẽ chuyển hoá các mô hình phân tích phức tạp về cán cân thanh toán, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, v.v. thành những sơ đồ hệ thống để người học có thể dễ dàng hiểu được và liên hệ ngay vào thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Thầy cũng gửi lời cám ơn đến các anh chị học viên, mặc dù công việc bận rộn nhưng đã dành các buổi cuối tuần để tham dự chương trình.
TS. Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước phát biểu khai giảng chương trình AMA
Bằng cách trình bày logic và lối diễn đạt cuốn hút thông qua các câu chuyện vĩ mô về các nền kinh tế khác nhau trên thế giới, thầy Thành đã dẫn dắt các anh chị 6 buổi để trải nghiệm các chủ đề quan trọng nhất của nền kinh tế vĩ mô như hạch toán thu nhập quốc gia, cán cân thanh toán, giá cả và lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, và thảo luận kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022. “Thầy Châu Văn Thành cũng đã đưa ra những tình huống, câu hỏi sát sườn với diễn biến thời sự hiện nay như nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì Việt Nam sẽ ra sao? Vì sao nỗi lo về suy thoái lại lất át nỗi lo lạm phát? v.v. Qua cách thầy Thành giảng giải, người học vỡ lẽ ra nhiều điều mới mẻ.”, chị Đinh Thị Ngọc Thuỷ, báo Nhịp cầu Đầu tư chia sẻ.
Thầy Châu Văn thành trao đổi cùng các anh chị trước khi bắt đầu buổi học
Mỗi tuần trôi qua, trước khi bắt đầu một bài học mới, thầy luôn thảo luận cùng các anh chị những biến động, những thông tin mới về kinh tế Việt Nam và Thế giới. Sau đó, các học viên được thầy dẫn dắt, gợi ý để đưa ra các lập luận, các tranh luận và các thắc mắc để thảo luận chuyên sâu. Các giờ học đã diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi, vui tươi cùng với tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ của các anh chị.
Không khí của một buổi tập huấn
Được thành lập vào ngày 31/12/2021, với vai trò là một trung tâm đào tạo ngắn hạn, CTELG hiểu rằng, đây chính là thời điểm mà trung tâm cần phải tiên phong, phải nỗ lực hơn bao giờ hết để thực hiện thật tốt tinh thần “Dấn thân phụng sự cộng đồng, lan toả tri thức”. CTELG Talk Series và chương trình tập huấn “Phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng trong công tác truyền thông – báo chí” là hai chương trình được CTELG xác định trong năm 2022 để thực hiện tinh thần này.
Chương trình AMA được tổ chức trong 6 buổi với các nội dung về hạch toán thu nhập quốc gia và cán cân thanh toán; giá cả và lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, bình ổn vĩ mô và trường hợp của Việt Nam.
Một số cảm nhận của học viên:
Một số hình ảnh khác:
Tin, ảnh: Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý & Phòng Marketing – truyền thông